post-image

Tìm Việc Thực Tập Thế Nào Với Tấm Chiếu Mới?

Tin tức

Đây là bài viết được chia sẻ trên kênh blog của Huyền Chip, tác giả của cuốn “Xách balo lên và đi” và hiện đang làm Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo. Và đây là hành trình câu chuyện xin thực tập đầu tiên của Huyền với diễn giả TED Talk khi kinh nghiệm gần như bằng 0.

Hồ sơ trống trải

Nhiều người hỏi mình kinh nghiệm tìm thực tập, nên mình muốn kể lại câu chuyện mình tìm việc thực tập đầu tiên của mình ở Mỹ như thế nào.

Như mọi người cũng biết, mình học đại học muộn, và vào đại học mới tập trung vào lập trình chứ không được học từ nhỏ. Vậy nên ban đầu, hồ sơ mình rất trống trải, bởi chỉ có kinh nghiệm viết lách chứ không có gì khác.

Năm đầu đại học, mình nộp hồ sơ thực tập nhưng không được nơi nào nhận. Mùa hè, mình đành ở lại trong trường làm nghiên cứu.

Năm thứ hai, mình tiếp tục lóc cóc đi hội chợ việc làm xem có công ty nào tuyển mình không. Một bạn tuyển dụng nhìn thấy hồ sơ mình đã ồ lên ngay: “Hồ sơ của mày trống trơn quá vậy.” Khi nói chuyện với công ty, mình cảm nhận được là họ chỉ nói chuyện với mình cho lịch sự. Sau đó, không có công ty nào trả lời email mình.

Mình nhận ra rằng hồ sơ của mình sẽ không thể nào cạnh tranh với hồ sơ của đám bạn học coding từ hồi 5 tuổi nếu nộp đơn qua đường truyền thống. Mình sẽ phải đi theo đường không truyền thống.

Bởi công ty lớn thường có quy trình tiêu chuẩn, khó để trở thành ngoại lệ, mình đặt hy vọng vào các công ty khởi nghiệp. Kế hoạch của mình là tìm công ty khởi nghiệp mà mình thích, tìm cách nói chuyện với CEO, thuyết phục để họ thấy khả năng thực sự của mình.

Con đường khác là gì?

Mình tìm trên các danh mục xếp hạng công ty khởi nghiệp, đọc TechCrunch, xem CrunchBase, lên LinkedIn kiếm, hỏi bạn bè, hỏi giáo sư, và tìm được khoảng 100 công ty khởi nghiệp. Mình tìm CEOs các công ty đó, gửi email, nhưng không ai nhận mình.

Một hôm, mình nghe được một bài TED Talk “The mathematics of war” — “Toán học của chiến tranh” của Sean Gourley. Bài nói chuyện hay mà diễn giả còn nam tính hơn cả Michael Fassbender. Điền tên anh vào Google, mình bị choáng ngợp ngay lập tức. Tiến sĩ Vật lý Oxford. Vận động viên chạy vô địch New Zealand. Cố vấn cho Lầu Năm Góc. Anh còn là đồng sáng lập của Quid, một công ty khởi nghiệp về AI vừa gọi vốn 39 triệu USD.

Mình không biết cách đánh giá tương lai startup thế nào, nên thay vì đánh giá startup, mình quyết định đánh giá khả năng người làm. Mình không biết tương lai Quid đi về đâu nhưng mình nghĩ Sean kiểu gì cũng thành công. Mình muốn làm việc với Sean.

Mặc dù Sean là người trên mây còn mình ở sát mặt đất, chẳng hiểu sao mình lại có linh cảm là Sean sẽ trả lời mình. Mình nghĩ Sean và mình có nhiều điểm chung. Mình cũng là đứa có nhiều niềm đam mê khác nhau. Minh cũng từng chuyên Toán ra và cũng đã có thời gian ở Trung Đông.

Mình gửi email, Sean trả lời thật. Anh bảo anh không còn ở Quid nữa. Anh đang làm một dự án mới rất nhỏ mà anh chưa quảng bá tìm người, nhưng nghĩ sẽ phù hợp với mình. Vì không có ai khác nộp đơn, Sean không so sánh hồ sơ của mình với thiên hạ. Với anh, quyết định có thuê mình hay không chỉ đơn giản là anh nghĩ mình có năng lực hay không.

Dự án anh làm là Primer AI. Hồi đó, công ty chỉ có 6 người nên mình có nhiều thời gian tương tác và học hỏi với cả công ty. Họ toàn người xuất sắc. 5 trong số 6 người là tiến sĩ. Một mùa hè ở công ty đã cho mình tiếp xúc với nhiều công nghệ mới, và cho mình động lực để xây dựng một khoá học ở Stanford năm sau đó. Hơn nữa, có tên Sean Gourley ở trong resume đã mở cửa cho mình nhiều cơ hội khác.

Primer AI hiện giờ đã gọi vốn 58 triệu USD và có hơn 100 nhân viên. Sean vẫn thỉnh thoảng nhắn tin hỏi han khi mình có dự án gì mới.

Đây là email mình gửi cho Sean thuyết phục anh thành công để cho bạn nào muốn viết email tương tự.

Hồi đấy mình còn ngây thơ nên viết email hơi dài, nếu giờ viết lại sẽ viết ngắn hơn, nhưng đại loại email nên cần những ý này.

  1. Mở đầu bằng lý do tại sao bạn tìm đến họ (khen ngợi công việc họ làm)
  2. Tìm điểm chung giữa hai người.
  3. Nói bạn muốn làm việc với họ và mong có cơ hội nói chuyện thuyết phục họ.
  4. Gửi kèm resume. Tóm tắt lại:
  5. Mỗi người có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Hãy tìm cơ hội phù hợp với điểm mạnh của mình.
  6. Đừng lo lắng chuyện 1 hay 100 hay 10000 công ty từ chối bạn. Bạn chỉ cần 1 công ty nhận bạn mà thôi.
  7. Nếu bạn đi theo con đường ai cũng đi, bạn sẽ phải cạnh tranh với tất cả mọi người. Nếu bạn đi theo con đường của riêng bạn, bạn sẽ chỉ phải cạnh tranh với bạn ngày hôm qua.

Chúc các bạn thành công

Nguồn: https://codelearn.io/sharing/tim-viec-thuc-tap-the-nao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.