post-image

Ngành công nghệ thông tin: Việc nhẹ lương cao?

Tổng quan

Trong những năm vừa qua, ngành Công nghệ thông tin (IT) vẫn luôn giữ được sức hút mạnh mẽ của mình. Điều đó được thể hiện qua số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học ở các ngành Công nghệ thông tin luôn tăng qua các năm, đặc biệt là trong năm 2020 vừa qua.

Thông tin từ Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết trong năm 2020 vừa qua có tất cả 2.490.171 nguyện vọng trên cả nước, trong đó có 640.638 nguyện vọng 1 và 519.449 nguyện vọng 2 xét tuyển vào các ngành Công nghệ thông tin. Có phải ngành IT được các bạn học sinh yêu thích là vì “việc nhẹ lương cao”?

Ngành IT: Việc nhẹ lương cao?

Có nhiều người không có kiến thức về IT, họ nghĩ rằng IT là chỉ cần ngồi trên máy tính, gõ phím 8 tiếng một ngày, không tốn nhiều sức mà vẫn có lương tháng 1000$. Điều này có đúng?

Không, rõ ràng là không! Việc gì cũng có cái giá của nó, bề ngoài của ngành IT mà người khác nhìn thấy chỉ đơn giản là gõ phím, nhưng chúng ta là dân IT, chúng ta biết nhiều hơn thế, chúng ta phải cho họ thấy chúng ta được đào tạo trường lớp, chúng ta làm công việc không phải ai cũng có thể học và làm được và mức lương tương xứng với công sức của chúng ta bỏ ra.

Đối với những bạn sinh viên năm 3 và năm 4, các bạn sẽ đi thực tập ở các công ty, startup, các bạn sẽ thấy, các bạn cũng học IT và mức lương thực tập rất là thấp kể cả khi bạn trở thành nhân viên chính thức.

Khi ra trường, bạn đi xin việc, mức lương mà bạn nhận được còn tùy thuộc vào công ty mà bạn ứng tuyển, số kinh nghiệm mà bạn có được (tính bằng năm), bằng cấp (bằng tiếng Anh điểm cao là một lợi thế), có kinh nghiệm quản lý (học qua các khóa học quản trị kinh doanh…) thì có thể dễ dàng leo lên các vị trí cao hơn,… Đủ để hiểu học IT ra trường rồi đi làm không phải ai cũng lương tháng 1000$.

Cần tố chất gì để học được IT

Ngành IT cũng không phải là một ngành dễ học. Điều kiện tiên quyết là các bạn phải có đam mê. Khi các bạn học mà không có đam mê, các bạn sẽ rất dễ chán nản và muốn từ bỏ sau khi bắt đầu chưa bao lâu và nó rất là phí thời gian của các bạn.

Học IT thì không cần quá thông minh hay là tài giỏi gì đâu. Các bạn chỉ cần chăm chỉ, siêng năng, học rồi thực hành, làm bài tập cho nhiều thì các bạn sẽ tự mình tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm cho riêng mình.

Học IT cũng không cần giỏi toán, bạn chỉ cần biết toán phổ thông là được. Các bạn cần có tư duy logic, biết phán đoán tình huống và tỉ mỉ trong khi làm việc.

Ngành IT học những gì?

Ngành IT không phải là cứ cắm đầu vào máy tính và cào phím, trước khi gõ phím các bạn sẽ phải suy nghĩ rất nhiều chứ không phải tự dưng mà có code cho bạn gõ đâu. Có khi các bạn suy nghĩ mấy ngày trời rồi mới có ý tưởng để code.

Trường đại học sẽ đào tạo cho các bạn từ nền tảng đến chuyên môn mà các bạn theo học. Các môn toán cao cấp, chính trị, ngoại ngữ đương nhiên là bắt buộc. Các môn học nền tảng như Nhập môn lập trình, Lập trình hướng đối tượng (đa phần các trường đều dạy C/C++), Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Nhập môn mạng, Nhập môn cơ sở dữ liệu, Tổ chức và cấu trúc máy tính, Kiến trúc máy tính…

Sau khi học xong đại cương và nền tảng lập trình căn bản thì các bạn sẽ được học chuyên ngành. Trên đại học thầy cô sẽ không chỉ dạy hết những gì mà thầy cô biết được, mà chủ yếu, các bạn sẽ phải tự tìm và nghiên cứu thêm từ những gì mà thầy cô đã dạy.

Kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp cũng là thứ sau này quyết định đến mức lương của các bạn. Nếu như các bạn có khả năng giao tiếp tốt, làm việc nhóm tốt thì sau này các bạn có thể dễ dàng làm ở các chức cao hơn. Đương nhiên là trên đại học các bạn cũng sẽ được rèn dũa kỹ năng này.

Bên cạnh việc học tập, các bạn cũng có thể tham gia vào các cuộc thi, các nghiên cứu khoa học do trường tổ chức. Khi tham gia, các bạn có thể học hỏi thêm được rất nhiều thứ và còn được thầy cô hướng dẫn tận tình nữa.

Học IT làm việc ở những vị trí nào?

Ngành IT rất đa dụng, các bạn chỉ cần có nền tảng cơ bản về lập trình là công ty có thể đem về đào tạo và sử dụng được rồi. Tuy nhiên, các bạn cần học cho đến nơi đến chốn, học tốt chuyên ngành thì sau này điều kiện làm việc của bạn sẽ tốt hơn.

Học xong ngành IT ra trường các bạn có thể trước tiên là làm giảng viên. Đúng vậy, đối với các bạn có kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin, tự tin trước đám đông thì có thể trở thành giảng viên. Tuy nhiên khá ít bạn chọn đi theo con đường này, chủ yếu là do không có đam mê giảng dạy và mức lương khá khiêm tốn so với bạn bè đi làm bên ngoài.

Các bạn có thể làm việc ở vị trí tư vấn, đánh giá, phân tích hệ thống. Việc này đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm của các bạn trong lĩnh vực mà các bạn làm. Đương nhiên là các bạn phải hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn các bạn coder thì các bạn mới có thể làm được ở vị trí này.

Các bạn có thể làm coder, đây là công việc mà hầu như ai cũng làm trước khi leo lên các vị trí cao hơn. Coder là như kiểu phụ hồ, ai kêu gì làm đó ấy.

Cao hơn coder là developer. Bạn sẽ cũng code các tính năng được giao, nhưng bên cạnh đó bạn nghiên cứu và phát triển, bổ sung thêm các tính năng mới.

Các bạn có thể đi code dạo, code web, code app này kia, nói chung là học IT rất đa dụng. Và còn rất rất nhiều việc khác mà các bạn học IT xong có thể xin vào làm.

Khó khăn khi học IT

Áp lực khi học và làm trong ngành IT cũng chính là lý do khiến cho ngành IT có mức lương rất cao (nếu bạn đủ trình độ). Khi học ngành này, các bạn sẽ thường xuyên đụng mặt BUG nó là nguyên nhân chính thường xuyên làm cho các bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu và áp lực. Có khi bạn mất cả ngày chỉ để fix 1 bug duy nhất.
Học IT là các bạn sẽ gắn nửa phần đời còn lại của mình với chiếc máy tính, là công cụ kiếm cơm chính của các bạn. Việc ngồi lâu trên máy sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe kém, cận thị và đặc biệt là bị trĩ. Hãy tìm cho mình một chế độ làm việc, nghĩ ngơi và tập luyện phù hợp.

Công việc đòi hỏi sự tập trung cao và đối với các bạn có hứng thú khi viết code, các bạn sẽ lãng quên mọi thức xung quanh. Do đó, các IT-er thường than là bị ế cũng vì chuyện đó. Không chỉ vậy, họ thậm chí là bỏ quên cả gia đình nữa nếu cứ mãi tập trung cho công việc.

Khi học IT thì việc bị deadline dí là chuyện như cơm bữa. Lúc học đại học các bạn sẽ bị deadline môn học dí, các đồ án, khóa luận… Sau khi đi làm các bạn sẽ bị deadline của sếp dí, thời gian bạn làm việc có thể hơn 8 tiếng 1 ngày.

Còn rất rất nhiều khó khăn khác khi học ngành IT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi học là các bạn phải có hiểu biết về ngành này trước và có đam mê, vì khi có đam mê, các bạn mới có thể học mà không bị nản, phát triển bản thân tốt hơn.

Tổng kết

Vậy là trong bài viết này, mình đã chia sẻ đến các bạn cái nhìn tổng quan về ngành Công nghệ thông tin, nhưng gì mà mình chia sẻ có thể nó không đúng vì mình chưa đi làm. Nếu các bạn có thấy nó sai thì hãy để lại bình luận để giúp mình phát triển bài viết tốt hơn nha.

Nếu các bạn thấy bài viết này hay, đừng quên chia sẻ nó cho mọi người cùng biết nha. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

Tham khảo khóa học lập trình web 6 tháng, đảm bảo 100% công việc đầu ra!

Nguồn: https://topdev.vn/blog/nganh-it-viec-nhe-luong-cao/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.